YouNet Media: Chiến lược truyền thông social media cho Điện ảnh Việt 2021 (Phần 2)

3.455 lượt xem

Phần 1 của bài viết khẳng định vai trò của social media trong chiến lược truyền thông cho phim Việt, nhấn mạnh đây là thời điểm các nhà truyền thông bắt đầu thực hiện những chiến lược truyền thông social media toàn diện, từ đo lường – phân tích – thực thi marketing.

Từ việc phân tích những bộ phim có doanh thu phòng vé lớn năm 2019 và 2020, YouNet Media nhận thấy công thức nổi bật chung của những bộ phim này là có tổng lượng thảo luận trên social media lớn, được khán giả thảo luận sôi nổi và tích cực. Vậy hình thức marketing nào phù hợp nhất cho truyền thông phim trong hiện tại? Chiến thuật truyền thông trước và sau ngày công chiếu ra sao để thu hút khán giả?

Nội dụng chính

Advocacy Marketing để phim trở thành cú “bump” tích cực trên social media?

Bản chất Advocacy marketing là hình thức marketing trong đó tập trung vào việc khiến khách hàng nói tốt về thương hiệu và sản phẩm. Trên social media, Advocacy marketing là hình thức marketing “quyền lực” dành cho lĩnh vực phim nói riêng và sản phẩm nghệ thuật giải trí nói chung, là những lĩnh vực tiềm năng có lượng thảo luận lớn.

Advocacy marketing sẽ giúp giải quyết cho truyền thông phim 2 vấn đề:

  1. Tạo ra độ phủ và sôi nổi thảo luận trên social media về phim
  2. Khuyến khích khán giả chủ động thảo luận và lan toả tích cực về phim – cũng là những vấn đề mà hình thức marketing thông thường không thể giải quyết

Nhìn lại những bộ phim dẫn đầu doanh thu phòng vé thời điểm 2019 và 2020 như ‘Mắt biếc’, ‘Ròm’ hay ‘Tiệc trăng máu’, YouNet Media nhận thấy đây đều là “chủ đề nóng hổi” được khán giả chủ động chia sẻ trên social media với tổng thảo luận lớn hơn 200.000, riêng ‘Mắt biếc’ ghi nhận tới 2.000.000 thảo luận. Mấu chốt quyết định ở đây là 40% thảo luận đến từ khán giả – so với thực tế thị trường phim hiện tại thì tỷ lệ này chỉ chiếm 20%; 80% còn lại là thảo luận từ nhà truyền thông. Trong cuộc cạnh tranh của thị trường điện ảnh Việt, nhà truyền thông phim cần chủ động đi trước, thực hiện Advocacy marketing để bộ phim được khán giả biết đến rộng rãi, đồng thời khơi gợi sự tò mò đủ để khán giả phải ra rạp xem phim ngay.

Công thức Advocacy marketing dành cho phim Việt

Với trọng tâm là sản phẩm khuyến khích khán giả thảo luận về phim trên social media, YouNet Media đúc kết công thức dành cho Advocacy marketing bao gồm 3 yếu tố:

  • Nguyên liệu thảo luận (Film material): Là nguyên liệu để khán giả tham gia thảo luận: trailer, poster, nhạc phim, diễn viên, kịch bản, tin đồn, thông tin về phim, hậu trường phim…
  • Kênh truyền thông (Paid Media – Influencer, Hot Page, Community Group, PR; Partner Media – Fanpage rạp chiếu phim; Owned media – Fanpage phim): Là những kênh mà nhà truyền thông có thể sử dụng để lan toả nguyên liệu truyền thông tiếp cận đến khán giả trên toàn social media và tăng thảo luận đến từ khán giả (Organic Voice).
  • Chiến thuật (Tactics): Là chiến thuật khuyến khích người dùng tạo ra thảo luận. Đây cũng chính là yếu tố mà nhà làm truyền thông phim hiện tại chưa áp dụng triệt để hoặc bỏ qua. Những chiến thuật này thường thông qua cuộc thi, thử thách hay tạo thảo luận trong group yêu phim.

Khi đã có hình thức marketing cụ thể, điều nhà làm truyền thông phim quan tâm là nói gì, khi nào và ở đâu với khán giả? Những chiến thuật gì để “hot topic” có thể duy trì sức nóng xuyên suốt trước, trong và sau chiếu phim?

“Gây thảo luận tò mò” trước ngày công chiếu

Thời điểm vàng quan trọng nhất để chiến thắng là 1 tháng trước ngày công chiếu. Advocacy marketing nên được triển khai rầm rộ ở thời điểm này khiến công chúng tò mò, đồn đoán về phim, thu hút khán giả thảo luận.

Những chủ đề thu hút khán giả thảo luận là nhạc phim/ poster phim/ trailer phim/ suất chiếu sớm sneak show/ họp báo phim/ thông tin bên lề/ hậu trường. Trong đó, hoạt động ra mắt trailer phim và ra mắt nhạc phim là hoạt động thường thu hút sự chú ý lớn nhất từ khán giả theo dõi. Đây cũng chính là 2 cơ hội để nhà truyền thông phim khai thác để tạo ra cú “bump” trước ngày công chiếu.

Trước ngày công chiếu, với mục tiêu tạo độ lớn thảo luận và gây sự chú ý từ người dùng, không chỉ dừng lại ở việc “tổng đổ bộ” Influencer trên toàn social media, mà nhà truyền thông phim còn cần có chiến dịch Influencer Marketing bài bản, trong đó đa dạng nhóm Influencer để phù hợp với mục tiêu của từng giai đoạn quảng bá phim và đa dạng hình thức nội dung (content format) phù hợp với từng nhóm Influencer.

Bên cạnh chia sẻ video trailer, link nhạc phim hoặc poster phim, nhà sản xuất nên cho phép Influencer sáng tạo content để phù hợp với khán giả. Ví dụ như fanpage ‘Hóng hớt showbiz’ sáng tạo quotes từ trailer phim, screenshot hình từ trailer phim, sáng tạo meme từ trailer. Các trang rạp chiếu phim và fanpage âm nhạc như ‘Đài Phát Thanh’, ‘Indie VietNam’ chia sẻ OST (nhạc phim).

Thay vì chờ đợi khán giả tạo ra thảo luận, nhà làm phim hãy tạo ra cơ hội cho khán giả thảo luận. Các hoạt động khuyến khích người dùng tạo ra thảo luận tự nhiên như minigame, cuộc thi cover poster, cover nhạc phim sẽ giúp bộ phim ghi nhận thảo luận tự nhiên.

  • Tạo trend từ poster phim: Có thể triển khai minigame cover chụp hình concept poster phim; cuộc thi ảnh, tạo trend cover poster phim… Khởi xướng từ các funny fanpage như truyện tranh, ảnh chế (meme).
  • Triển khai cuộc thi cover OST: Các trang rạp chiếu phim và fanpage âm nhạc như ‘Đài Phát Thanh’, ‘Indie VietNam’ chia sẻ OST và triển khai minigame cover ca khúc chủ đạo.
  • Tạo ra các topic thảo luận trong các hội nhóm: Thảo luận tích cực để tăng yếu tố tò mò của người dùng mạng xã hội.

‘Word of mouth’ – Review sau ngày công chiếu

Thời điểm sau một tuần đầu công chiếu là thời điểm vàng để tạo đỉnh điểm thảo luận. Xuyên suốt 4 tuần sau công chiếu, đây là giai đoạn ‘word of mouth’ (truyền miệng), người dùng thảo luận về chất lượng phim, diễn viên và kêu gọi bạn bè đi xem phim. Nhà làm truyền thông sẽ ảnh hưởng đến quyết định xem phim của khán giả mạnh mẽ nhất qua các hoạt động tương tác trên social media ở giai đoạn này.

Thời gian sau 1 tuần công chiếu chính là thời điểm được người dùng thảo luận sôi nổi nhất. Ngay khi phim vừa được công chiếu, những hoạt động review phim cần được ra mắt ngay để khai thác sức nóng của bộ phim. Sau 2 tuần ra mắt, lượng thảo luận sẽ có xu hướng suy giảm, vì vậy cần có hoạt động thu hút sự chú ý như ra mắt MV, hậu trường BTS chưa tiết lộ, chuyện chưa kể hoặc phỏng vấn độc quyền.

Sau ngày công chiếu, người dùng mong chờ thông tin về review phim, do vậy marketer nên đa dạng format review phim để phim viral hơn. Kết hợp giữa Influencer chia sẻ trên trang cá nhân, fanpage và kết hợp Influencer chia sẻ trong các group như ‘Thánh Riviu’, ‘Fan Xi Nê Ma’, ‘Ra rạp xem gì?’… cũng giúp bộ phim lan toả tự nhiên hơn.

  • Review phim: Các chia sẻ của Influencer sau khi xem phim, bài học về phim dưới dạng video hoặc hình ảnh; ảnh chế, quotes, câu chuyện từ phim.
  • Tạo chủ đề thảo luận trong các group xem phim: Chia sẻ cảm xúc sau khi xem phim, dự đoán doanh thu phim…

Trong thị trường phim rạp cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, để một bộ phim điện ảnh Việt thành công thì ngoài yếu tố tiên quyết về chất lượng, hiệu ứng truyền thông cũng góp phần không nhỏ. Từ góc nhìn social listening, thị trường thảo luận trên social media về phim rất tiềm năng, tại đây Advocacy marketing sẽ phát huy và là vũ khí giúp nhà truyền thông Việt đến gần hơn với khán giả. Cùng với đó, việc nắm bắt thị hiếu khán giả, triển khai chiến thuật phù hợp đúng thời điểm vàng trong truyền thông cũng là yếu tố quan trọng để thành công ở cả mặt trận social media và tại rạp.