Dấu ấn của COVID-19 trong khủng hoảng truyền thông 2020

2.002 lượt xem

Sự xuất hiện bất ngờ của dịch bệnh đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới xã hội. Không chỉ hành vi người dùng bị thay đổi mà những thương hiệu cũng bị ảnh hưởng. Trong khi nhiều thương hiệu đã tìm được cách thích nghi và sống chung với dịch bệnh, vẫn có một số thương hiệu chưa có sự điều chỉnh chính sách phù hợp và phải đối mặt với khủng hoảng truyền thông.

Nội dụng chính

COVID-19 TÁC ĐỘNG RA SAO TỚI KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG 2020? 

So với cùng kỳ năm ngoái, tổng lượng thảo luận liên quan đến khủng hoảng truyền thông năm nay giảm đến 56%, mặc dù số ngành bị ảnh hưởng là như nhau (21) và không có nhiều lênh chệch giữa số thương hiệu bị ảnh hưởng (53 và 66).

Lý giải cho hiện tượng này, COVID-19 được cho là một trong các nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm thảo luận khủng hoảng. Với khoảng 300 triệu thảo luận được tạo ra từ tháng 12/2019 đến 09/2020, COVID-19 là Fad topic lớn nhất tới thời điểm hiện tại. COVID-19 làm người dùng đổ dồn sự chú ý vào nó là giảm mối quan tâm đến tất cả các chủ đề thảo luận khác – kể cả các khủng hoảng truyền thông

COVID-19 là tác nhân khiến thảo luận về khủng hoảng giảm đi, nhưng đồng thời cũng là tác nhân gây khủng hoảng cho một số thương hiệu. Cụ thể, các thảo luận về khủng hoảng do tác động của COVID-19 chiếm tới 27%. Hơn nữa, mặc dù tháng nào cũng xảy ra khủng hoảng, hai tháng cao điểm lại rơi vào hai tháng dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ nhất: Tháng 3 & tháng 4.

COVID-19 cũng tác động tới mức độ khủng hoảng của một số ngành hàng. Thông thường, thực phẩm vốn là một ngành dễ tổn thương do khủng hoảng. Bằng chứng là năm 2019, đã có gần 1 triệu thảo luận về khủng hoảng ngành hàng này. Tuy nhiên, trong năm 2020, Covid-19 đã làm đổi chỗ thứ hạng trong bức tranh khủng hoảng của các ngành hàng.

Với ngành hàng không, có tới 50% lượng thảo luận về khủng hoảng đến trực tiếp từ COVID-19. Nguyên nhân là do các chính sách hoàn tiền bị người dùng phản ứng, trong tình hình các chuyến bay bị hoãn đột xuất do dịch bệnh.

Chung cảnh ngộ với hàng không, ngành hàng thời trang và ngành bán lẻ cũng phát sinh khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19. Đây là lần đầu tiên 2 ngành này “lọt top” khủng hoảng. Nguyên nhân đến từ các quyết định khai trương và chính sách với nhân viên chưa hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh không được kiểm soát.

Bên cạnh những ngành hàng trên, còn có nhiều ngành hàng khác cũng bị COVID-19 tác động, có thể kể đến: bất động sản, chăm sóc cá nhân, vận chuyển, bệnh viện,…

Có thể thấy, dịch bệnh COVID-19 đột ngột bùng phát đã khiến các thương hiệu không kịp trở tay và chưa kịp đưa ra kế hoạch phản ứng hợp lý, từ đó dẫn đến khủng hoảng.

TRUYỀN THÔNG 2020 – NHỮNG YẾU TỐ KHÔNG THAY ĐỔI 

COVID-19 đã phần nào tác động tới lượng thảo luận, nội dung thảo luận và ngành hàng thảo luận của khủng hoảng truyền thông. Tuy nhiên, theo quan sát của Buzzmetrics, có một số yếu tố vẫn không đổi so với 2019, bao gồm: động cơ phát sinh và hình thức thảo luận.

 

Xét hình thức thảo luận, các bài đăng kèm hình ảnh vẫn được sử dụng nhiều nhất (43 trường hợp) và tạo nhiều thảo luận nhất (gần 1 triệu thảo luận). Tuy nhiên, Livestream mới là hình thức có sức ảnh hưởng lớn nhất. Chỉ có một khủng hoảng đến từ Livestream nhưng thu về gần 80k thảo luận.

Trong khi đó, sức khỏe và tài sản vẫn là 2 động cơ phát sinh khủng hoảng lớn nhất. Đáng chú ý, nếu như năm ngoái, các khủng hoảng do xâm phạm quyền lợi và danh dự người dùng chỉ tạo ra 85k thảo luận, thì năm nay, có tới 330k thảo luận đến từ động cơ này. Chính trị – Xã hội và Tính mạng là các động cơ khác dẫn tới khủng hoảng.

TẠM KẾT

Do ảnh hưởng của COVID-19, 2020 trở thành một năm hết sức đặc biệt: năm có kỳ nghỉ Tết dài nhất lịch sử, năm có kỳ nghỉ hè dài nhất lịch Sử và nhiều xáo trộn khác. Không chỉ vậy, bức tranh khủng hoảng truyền thông cũng phần nào biến đổi với sự xuất hiện của một số ngành hàng mới, vốn có nguy cơ khủng hoảng không cao (thời trang và bán lẻ).

Dịch bệnh cho thấy được: Bất kỳ một sự kiện lớn nào trên mạng xã hội cũng tác động tới mối quan tâm của người dùng, đồng thời tiềm ẩn rủi ro cho thương hiệu. Việc của thương hiệu là luôn lắng nghe những chuyển dịch mối quan tâm của người dùng và lên kế hoạch cho những kịch bản xấu.